Thi công giấy dán tường Nhật Bản có gì đặc biệt?

So về giá, thi công giấy dán tường Trung Quốc và Hàn Quốc rẻ hơn hẳn thi công giấy dán tường Nhật Bản. Trong bài viết “Thi công giấy dán tường bao nhiêu tiền 1 mét?“, tôi đã giới thiệu vài mức giá. Giấy Hàn và giấy Trung Quốc thi công mất khoảng 15,000 đồng cho 1 mét vuông tường. Trong khi, thi công giấy Nhật mất từ 30,000 đến 40,000 đồng cho 1 mét vuông tường. Tại sao lại như vậy? Tôi xin giải thích như sau:

Những điểm đặc biệt trong thi công giấy dán tường Nhật Bản

1. Kỹ thuật dán: Dán chồng mép

Khác với giấy Hàn và giấy Trung Quốc, giấy dán tường Nhật Bản có phần tai giấy tầm 2cm ở hai mép trang giấy. Bạn hãy hình dung cuộn giấy dán tường như một súc vải. Mỗi cuộn là 50m giấy được cuộn tròn thành một cuộn. Hai đầu cuộn chính là phần tai giấy. Tai giấy sẽ bảo vệ phần giấy bên trong không bị dập nát.

Khi dán, thợ sẽ đặt 2 tấm giấy cạnh nhau, mép chồng lên nhau, rồi dùng dao trổ cắt một đường đứt xuyên cả 2 tấm giấy.

Thi công giấy dán tường - Cắt mối nối

Thợ lột bỏ phần tai giấy thừa đi, vuốt cho dính vào tường.

Thi công giấy dán tường

Quá trình này sẽ đòi hỏi dùng nhiều dụng cụ: Bay cắt có tay cầm, dao trổ, vuốt mép bằng nhựa, chổi gạt sợi, vuốt mép bằng tre, con lăn mép,…Bộ dụng cụ thi công giấy dán tường

Thợ dán giấy dán tường Nhật Bản cũng phải được đào tạo bài bản và thực hành lâu hơn mới dán được kiểu này. Tại Nhật Bản, thợ dán giấy được gọi là “shokunin-san”, có nghĩa là “nghệ nhân bậc thầy”, người rất rất thành thạo về nghệ thuật này.

Kiểu dán này đảm bảo mối nối giữa hai tấm giấy luôn rất đẹp. Khít nhau ngay cả khi tường có lồi, lõm đi chăng nữa.

2. Sử dụng các phụ liệu đặc thù

Sau khi so hoa của hai tấm giấy cho khớp nhau, thợ phải cắt. Khi cắt, cần dùng lực vừa phải. Nếu dùng lực mạnh quá là cắt xuyên vào tường, về sau giấy sẽ bị tách mép. Để chống cắt vào tường, phải dùng phụ liệu là băng chống cắt vào tường.

Để lớp keo ở mặt sau tấm giấy này không dính lên mặt trước của tấm giấy kia, phải dùng phụ liệu là băng chống dính keo lên bề mặt giấy.

Nếu trên tường có vết nứt, lỗ đinh thì dùng băng nối mép. Đây là một lớp băng rất mỏng nhưng dai. Dán vào vết nứt trên tường thì sẽ gia cường chỗ đó, làm phẳng bề mặt. Sau đó, dán giấy dán tường ra ngoài như thường. Trường hợp đã lỡ cắt quá tay vào tường thì cũng có thể dùng băng nối mép sửa lại cho đẹp.

3. Dùng ít nhất 2 loại keo: keo dán và keo mép.

Tại Nhật Bản, thợ dán giấy sử dụng ít nhất 2 loại keo để dán giấy.

Loại thứ nhất là keo bôi lên toàn bộ mặt sau của tờ giấy dán tường, giúp giấy dán tường bám vào bề mặt tường. Để bạn dễ nhớ, xin phép gọi tắt là “keo dán giấy lên tường”.

Loại thứ hai là “keo mép”. Keo mép được dùng để bịt kín các đường viền giữa giấy dán tường và phào, giấy dán tường và trần, đường viền cửa sổ, cửa ra vào. Đây là những khe mà bụi bẩn, hơi nước dễ xâm nhập. Nếu không bịt vào, mép giấy dán tường ở chỗ đó dễ bị bong ra.

Muốn dán giấy Nhật thật chuẩn, chúng ta phải theo kỹ thuật của thợ Nhật, và dùng keo tốt như của họ. Ở Việt Nam, thợ dán giấy có 2 lựa chọn về keo dán giấy lên tường: keo dạng bột và keo huyền phù. Keo dạng bột thì cần pha bằng nước sạch, quấy đều cho đến khi hạt keo nở ra thành dạng như cháo bột. Keo huyền phù là một dạng cháo đặc quánh, cần thêm nước, dùng máy khuấy đánh cho loãng đều ra. Sau khi đã dùng thử cả hai loại này, chúng tôi quyết định chọn keo huyền phù mặc dù giá đắt hơn. Lí do là vì độ đều, độ dính tốt hơn keo pha từ bột. Nếu dùng máy quét keo tự động thì càng phải dùng keo huyền phù. Bởi vì máy quét keo là hàng Nhật, nó chỉ hợp với keo Nhật. Tức là keo phải đặc, chỉ một lớp mỏng bám vào giấy là đủ độ bám dính.

Muốn biết loại keo Nibe chúng tôi đang dùng, mời bạn xem trong bài viết “Keo dán giấy dán tường Nhật Bản“.

4. Không sử dụng keo sữa

Ở Nhật, thợ thi công không dùng keo sữa (Poly Vinyl Acetac, màu trắng đục như sữa). Cũng không dùng silicon để gắn mép. Bởi vì các loại keo này ăn chết vào tường. Sau này, khi bạn muốn thay giấy dán tường mới, bạn không thể bóc nổi giấy cũ. Nếu cố bóc, tường của bạn sẽ bong ra nham nhở.

Keo dán tốt và keo mép tốt thì vẫn bám chắc, nhưng khi bóc thì bong ra mà không ảnh hưởng tới nền tường.

Cảm ơn bạn đã dành thời gian xem bài viết dài này. Trong tiếng Nhật có từ “Nattoku”, nghĩa là “hiểu thấu đáo rồi, tâm phục khẩu phục rồi”. Hy vọng là giải thích của tôi đã giúp bạn nattoku được về cách dán giấy dán tường Nhật Bản. Một lần nữa, xin cảm ơn!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *