Lịch sử của giấy dán tường

Lịch sử của giấy dán tường

Đây là một bài khảo cứu khoa học về lịch sử hình thành và phát triển của giấy dán tường đăng trong cuốn Wall Coverings Handbook của Hiệp hội Vật liệu phủ tường Nhật Bản. Bài khảo cứu chứa đựng nhiều thông tin rất thú vị. Nibe xin dịch ra tiếng Việt để các bạn tham khảo.

Khởi thủy của giấy dán tường

Giấy dán tường được cho là phát tích từ tranh tường, miếng da treo tường, thảm dệt tapestry. Mục đích chung của các tác phẩm này là để trang trí nội thất. Những tác phẩm này thường được treo trong những công trình đặc biệt như công trình tôn giáo, nhà và nơi làm việc của chính quyền, người có thế lực. Đó là vật liệu trang trí nội thất dành cho người giàu. Vậy khi người bình thường cũng muốn trang trí nhà mình thì sao? Thì giấy dán tường ra đời để đáp ứng mong muốn đó.

Khởi nguồn của giấy dán tường được coi là ở Trung Quốc. Vào thời nhà Đường (năm 618 – 907), trong cung điện có treo rất nhiều bức tranh vẽ trên giấy. Sau đó, giấy dán tường Trung Quốc và vật liệu trang trí tương tự như vậy xuất hiện tại Châu Âu vào thế kỷ 17.

Ở Nhật Bản, thời Heian, tranh tường dán trên vách ngăn phòng xuất hiện trong kiến trúc cung đình thời kỳ đầu, có lẽ do chịu ảnh hưởng của tranh tường trong cung điện của Trung Quốc. Tuy nhiên, do khác biệt về cấu trúc công trình nên giấy dán tường không phổ biến ở công trình Nhật Bản cổ mà chỉ được dán trên các bức bình phong, vách ngăn shoji.

Công nghệ sản xuất giấy được truyền vào Châu Âu trong khoảng từ thế kỷ thứ 8 đến thế kỳ thứ 11. Nhưng phải đợi cho đến khi kỹ thuật sản xuất giấy và kỹ thuật in ấn tiến bộ thì họa tiết lặp lại mới được in lên giấy và sinh ra giấy dán tường. Tới thế kỷ 13 – 15, kỹ thuật chế tạo giấy bằng máy hơi nước lần lượt được phát triển tại Ý, Đức, Anh, sản lượng giấy và tốc độ làm giấy tăng lên nhanh chóng. Vào thế kỷ 17, kỹ thuật in được chuyển từ in khuôn khắc gỗ sang in stencil (tô theo mẫu bằng giấy nến) và có màu. Sau đó, trong thời kỳ cách mạng công nghiệp thế kỷ 18 – 19, giấy được sản xuất hàng loạt với năng suất cao cho tới ngày nay.

Tấm giấy dán tường cổ nhất thế giới còn tồn tại

Tấm giấy dán tường cổ nhất thế giới (năm 1509) Ảnh 1. Tấm giấy dán tường được coi là cổ nhất thế giới (năm 1509) được phát hiện tại trường đại học Cambridge vào năm 1911

Tấm giấy dán tường in đầu tiên ở Châu Âu còn lưu lại là bản in từ khuôn gỗ vào thời Henri thứ 8 ở nước Anh năm 1509. Mẫu vật này được phát hiện vào năm 1911 tại trường đại học Cambridge. Họa tiết trên đó là cây lựu được vẽ lại một cách trừu tượng và chi tiết. Từ đầu thế kỷ 16 cho đến cuối thế kỷ này, giấy dán tường printed paper dùng ở Anh và Pháp chủ yếu được sản xuất bằng cách in mộc bản. Dần dần, ngành công nghiệp sản xuất giấy dán tường mới ra đời vào thế kỷ 17 và các doanh nghiệp sản xuất giấy dán tường xuất hiện ở khắp các nước Châu Âu.

Thời kỳ đầu giấy dán tường được sản xuất bởi các công ty chuyên sản xuất các sản phẩm từ giấy như công ty văn phòng phẩm, công ty in, công ty khắc khuôn gỗ. Trước thế kỷ 17, giấy dán tường chỉ là hoa văn in trên bề mặt phẳng. Tới khoảng thế kỷ 17 – 18 mới xuất hiện các thợ làm giấy dán tường bằng da.

Cách thức sản xuất giấy dán tường và quá trình phát triển

Hình 2. Họa sĩ vẽ lên giấy dán tường vào thế kỷ 16 – 18

Ở Châu Âu, vào thế kỷ 16 – 18, người ta đã có rất nhiều thử nghiệm về giấy dán tường. Đầu tiên là giấy dán tường vẽ tay (painted paper) mà sau đó thúc đẩy sự ra đời của giấy dán tường in (printed paper). Đó là vào thế kỷ 15, khi giấy được chế tạo ra với chi phí thấp. Mọi người mua được giấy rẻ dán lên tường, trang trí bằng các họa tiết vẽ tay bằng cách tô theo stencil (giấy nến có hình mẫu). Chủ đề trang trí của các bức tranh này chủ yếu là phong cảnh. Ở Trung Quốc, cũng bắt gặp giấy dán tường sản xuất theo cách này. Giấy dán tường vẽ tay vẫn còn đến tận thế kỷ 18. Các nhà sản xuất giấy dán tường hồi ấy có riêng đội ngũ họa sĩ để vẽ cho khách hàng.

Có một sự kiện mang tính bước ngoặt xảy ra vào thế kỳ 17 đó là ông Jean Papillon – người Pháp đã sản xuất ra giấy dán tường có họa tiết hoa lặp lại liên tục trên toàn mảng giấy bằng cách in khuôn gỗ nhiều màu. Vì vậy, ông Jean Papillon được Châu Âu gọi là cha đẻ của giấy dán tường hiện đại.

Cũng trong thời kỳ này, ở Pháp và Anh bắt đầu thử nghiệm áp dụng kỹ thuật Flock
(dính tơ thực vật lên giấy dán tường). Người ta dùng keo để dính tơ thực vật vào bề mặt vải và canvas. Kỹ thuật này bắt nguồn từ kỹ thuật sản xuất nhung (velvet) nhưng sử dụng vụn lông cho rẻ hơn. Phương pháp đơn giản này vốn đã xuất hiện từ thể kỷ 13 nhưng thời đó chất lượng giấy quá tệ nên không được sử dụng. Cho đến tận cuối thế kỷ 17 mới được áp dụng trở lại cho giấy dán tường.

Giấy dán tường Flock phát triển đến thế kỷ 18 thì có thêm màu sắc sặc sỡ do các nhà sản xuất dùng sợi len (wool) nhuộm màu. Giấy dán tường Flock có nhuộm màu này là tiền đề thúc đẩy sự ra đời của giấy dán tường in nhiều màu bằng sơn nước.

Hình 3. Bình phong làm bằng da mạ vàng tại London (thế kỷ 18)

Giấy dán tường phong vị Trung Hoa

Vào giữa thế kỷ 17 giấy của Trung Quốc theo thuyền của công ty Đông Ấn đi từ Quảng Đông Trung Quốc sang Châu Âu. Sau đó giấy của Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản cũng theo tuyến đường biển này vào Châu Âu và tạo nên trào lưu India paper. Tên gọi India bắt nguồn từ tên tàu của công ty Đông Ấn và còn truyền đến tận ngày nay nhưng thực ra tên gọi này là chỉ các loại giấy mang phong cách Đông Dương, bao gồm cả Trung Quốc và Nhật Bản. Trào lưu này đạt cực thịnh vào giữa thế kỷ 18. Rất nhiều nhà sản xuất ở Châu Âu cũng làm ra sản phẩm nhái theo các mẫu giấy này. Đây là loại giấy dán tường mà người ta gọi là Chinoiserie (phong vị Trung Hoa).

Hình 4. Giấy dán tường Chinoiserie sản xuất tại Anh

Sang đến thế kỷ 19, giấy Trung Quốc nhập khẩu dần ít đi, giấy dán tường Chinoiserie được sản xuất tại Châu Âu chuyển sang họa tiết kiểu châu Âu và sống sót tới tận ngày nay.

Theo Henri Clougot, nhà nghiên cứu về giấy dán tường người Pháp, giấy dán tường bắt đầu được yêu thích vào đầu thế kỷ 18. Vật liệu này được gọi là “tapestry bằng giấy” và được yêu thích vì vừa túi tiền hơn vải dán tường và da dán tường (da mạ vàng). Tuy vậy, ngoại trừ loại giấy dán tường in đơn giản, các loại khác như: giấy dán tường in nhiều màu, giấy dán tường có họa tiết nổi và khắc chìm do nghệ nhân làm đồ da làm ra, painted paper, giấy dán tường flock,…  vẫn hết sức đắt đỏ. Đặc biệt, loại hoa văn thiết kế có bản quyền thì lượng sản xuất cũng ít, không phải là thứ ai cũng có thể mua được. Người dân thường thời đó chỉ có thể dùng loại giấy dán tường in kiểu rất sơ khai.

Tình trạng này chỉ thay đổi sau cách mạng công nghiệp. Ngành sản xuất giấy dán tường cũng tương tự như các lĩnh vực sản xuất khác, phát triển nhờ cách mạng công nghiệp. Từ đó, giấy dán tường in nhiều mầu và có hoa văn nổi mới phổ biến rộng khắp tới các tầng lớp người dân. Máy móc, thiết bị sản xuất giấy dán tường cũng được phát minh và cải tiến trong giai đoạn này. Các nhà sản xuất giấy dán tường Đức, Ý trước đó vốn đi sau Anh và Pháp thì nay vươn lên, phát triển theo bản sắc riêng. Đặc biệt, nhiệt huyết của nước Anh trong việc mở rộng tìm kiếm thị trường nước ngoài đã kích thích mạnh mẽ các nhà sản xuất trong lục địa châu Âu này.

Giai đoạn Anh và Pháp thống trị ngành giấy dán tường 

Trong giai đoạn này (sau năm 1900), ở Anh xuất hiện công ty chuyên thi công dán giấy, công việc trước đây vốn thuộc về nhà sản xuất giấy dán tường. Thời đó, thợ dán giấy không chỉ đơn thuần là người thợ lao động chân tay mà kiêm luôn vị trí chuyên gia trang trí nội thất.

Nước Anh là nước tiên phong trong sản xuất công nghiệp giấy dán tường với số lượng lớn. Khác với thời kỳ phát triển ban đầu của giấy dán tường vào thế kỷ 18, những năm 1840 – 1860 coi trọng số lượng hơn kiểu dáng nên dẫn đến suy thoái nhất thời về mẫu hoa văn. Thậm chí có nhà sản xuất giấy dán tường ở nước Anh đã “mượn” mẫu hoa văn của Pháp, loại pattern được coi là tuyệt mỹ hồi đó, để dùng làm của mình. Kết quả là giấy dán tường của Pháp với hoa văn và kỹ thuật chế tác tinh xảo, đặc biệt là các giấy dán tường khổ lớn mô tả phong cảnh in bằng bản khắc gỗ (block print), được nhập khẩu vào Anh, được đánh giá cao hơn hẳn sản phẩm của các nhà sản xuất Anh Quốc chỉ dồn sức vào đáp ứng thị hiếu đại chúng.

Hình 5. Giấy dán tường in tay của Pháp (đầu thế kỷ 19)

Nhận thấy phản ứng này, các nhà thiết kế giấy dán tường tại nước Anh, tiêu biểu là William Morris đã dẫn đầu phong trào nghệ thuật mới từ giữa thế kỷ 19, sản xuất ra các loại giấy dán tường có thiết kế tuyệt đẹp. Những mẫu thiết kế giấy dán tường của Morris vẫn còn được các nhà sản xuất nước Anh cung cấp ra thị trường cho tới tận ngày nay.

Hình 6. Mẫu giấy dán tường cuối cùng được thiết kế bởi William Morris (in bởi Công ty Jeffrey năm 1896)

Ở Châu Âu, mặc dù kẹt giữa hai cuộc đại chiến thế giới nhưng sau chiến tranh, nhiều phong trào thiết kế giấy dán tường và bản thân nền sản xuất giấy dán tường đã phát triển mạnh. Hiện nay, các nhà sản xuất châu Âu vẫn duy trì cả hai hình thức: sản xuất giấy dán tường block print gần với kiểu thủ công và sản xuất giấy dán tường hàng loạt (vinyl cloth).

Tranh tường truyền thống trải qua giai đoạn tranh vẽ trên giấy (painted paper) đến khi kỹ thuật in phát triển thì ra đời giấy dán tường phong cảnh, giấy dán tường panorama, đến ngày nay thì nhờ kỹ thuật in ảnh mà chúng ta có thể tùy ý tạo ra giấy dán tường sao chép các bức danh họa, giấy dán tường phong cảnh dạng ảnh chụp, muốn hình gì cũng được. Giấy dán tường làm bằng da với đại diện là da dập nổi, dát vàng đã khuynh đảo thị trường một thời. Loại giấy sáp (wax cloth) được làm từ vải vẽ bằng đá phấn trắng, hoàn thiện bằng sơn dầu (varnish) – dạng trung gian giữa da dán tường và giấy dán tường – được sản xuất ở Anh, Pháp, Đức,… Thế rồi hoa văn họa tiết của da dán tường, kỹ thuật dập vân nổi (embossing) được ứng dụng vào giấy dán tường. Giấy dán tường làm từ giấy mô phỏng da dập nổi, dát vàng (Kinkarakawa)  là loại giấy dán tường đầu tiên dành cho xuất khẩu được sản xuất một cách công nghiệp ở Nhật Bản vào năm 1938. Thảm tapestry vốn là vải dệt dùng để “treo” tường thì nay chuyển sang “dán” trực tiếp lên tường. Đây là thủy tổ của vải dán tường.

Ngày nay, tranh tường và da dán tường chỉ còn được dùng trong một số rất ít tòa nhà. Tapestry vải cũng hiếm khi được dùng trang trí toàn bộ tường mà chỉ được dùng như một điểm nhấn. Những vật liệu trang trí nội thất từ hàng phổ thông cho đến đồ cao cấp như vậy đều được gọi chung là giấy dán tường.

Lịch sử của giấy dán tường tại Nhật Bản

Năm 1938, Cục In ấn Bộ Tài chính Nhật Bản bắt đầu chế tạo giấy dán tường nghệ thuật Kinkarakawa, loại giấy dán tường giả da đã nêu ở đoạn trên. Đó là năm khai sinh ngành sản xuất giấy dán tường tại Nhật Bản. Sau đó, thiết bị sản xuất được chuyển giao cho công ty tư nhân và nền sản xuất tư nhân tiếp tục phát triển đến ngày nay. Trước Thế chiến II, giấy dán tường Nhật Bản hầu hết là để xuất khẩu sang châu Âu và chuyển sang Triều Tiên. Tiêu thụ trong nước hết sức hạn chế.

Ảnh hưởng của khủng hoảng thế giới sau Thế chiến I khiến tình hình xuất khẩu giấy kinkarakawa không khởi sắc. Giấy dán tường sản xuất tại Nhật lúc đó hầu hết là giấy dán tường làm từ giấy, do các doanh nghiệp vùng Kansai sản xuất để làm giấy dán vách chia phòng và giấy dán tường họa tiết kiểu châu Âu. Kế đến, Thế chiến II nổ ra, sản xuất giấy dán tường lại càng ảm đạm. Nhiều nhà máy sản xuất giấy dán tường bị chuyển thành nhà máy sản xuất quân nhu phục vụ chiến tranh. Giấy dán tường bị dừng sản xuất một thời gian.

Việc sản xuất giấy dán tường Nhật Bản được khôi phục và phục vụ cho công trình dân sự thông thường là vào khoảng năm 1953, 1954. Trước đó, khoảng năm 1949, các nhà máy sản xuất giấy dán tường lần lượt được khôi phục nhưng chủ yếu phục vụ cho các căn cứ quân sự. Sau đó, tình hình thế giới bắt đầu ổn định, các tòa nhà kiểu phương tây xuất hiện, đòi hỏi loại vật liệu hoàn thiện mặt tường phù hợp với nội thất kiểu đó. Thời đó, mốt là dán mex lót (interlining) và vải lanh (linen) lên tường. Muốn vậy, phải dán giấy washi vào mặt sau của vải rồi mới mang tới hiện trường công trình để dán. Sau đó, xuất hiện các doanh nghiệp sản xuất vải có dán giấy sẵn ở mặt sau. Và cuối cùng, ra đời các doanh nghiệp sản xuất giấy phủ da vinyl để làm giấy dán tường như ngày nay.

Lý do khiến giấy dán tường vinyl được yêu thích

Giấy dán tường vải và giấy dán tường vinyl được yêu thích vì đã mang lại khả năng mới cho hoàn thiện nội thất đúng lúc ngành xây dựng bùng nổ trong giai đoạn kiến thiết lại sau chiến tranh. Giấy dán tường trở thành phổ biến. Một nguyên nhân quan trọng là thay đổi phương pháp xây dựng (chuyển sang phương pháp xây khô). Tức là mang các tấm chế sẵn ở nhà máy đến công trình, lắp vào khung nhà, rồi hoàn thiện tại đó. Người ta không dùng vật liệu hoàn thiện loại ướt như vôi, sơn nữa. Thay vào đó, người ta mang giấy dán tường đến dán, vừa tiện lợi vừa đẹp.

Giấy dán tường Nhật Bản là vật liệu chống cháy lan

Thêm một nguyên nhân nữa khiến giấy dán tường trở nên phổ biến là giấy dán tường được công nhận là vật liệu chống cháy lan.

Năm 1969, Nhật Bản sửa đổi Luật Tiêu chuẩn Xây dựng nhằm phòng tránh thiệt hại do hỏa hoạn gây ra như chết cháy, sự cố. Điều đó đồng nghĩa với việc siết chặt tiêu chuẩn về hoàn thiện nội thất. Trước đó, giấy dán tường là vật liệu mỏng nên không thuộc đối tượng bị luật điều chỉnh. Nhưng nay, Luật Tiêu chuẩn Xây dựng sửa đổi quy định: giấy dán tường phải được Bộ Xây dựng chứng nhận là vật liệu phủ tường chống cháy lan thì mới được dùng trong công trình xây dựng.

Hiệp hội Vật liệu phủ tường Nhật Bản (tiền thân là Hội nghiên cứu của 10 doanh nghiệp giấy dán tường thành lập năm 1962) được chỉ định làm cơ quan thẩm định vật liệu phủ tường chống cháy lan trước khi trình Bộ Xây dựng Nhật Bản cấp giấy chứng nhận.

Điều kiện chứng nhận là áp dụng phương pháp thi công dán trực tiếp lên tường. Vậy nên sự xuất hiện của vật liệu phủ tường chống cháy lan đã dẫn tới sự thay đổi phương pháp thi công. Trước đó, thường người ta dán lót giấy bồi, sau mới dán lớp giấy hoàn thiện. Nay thì phải chuyển sang phương pháp dán trực tiếp giấy dán tường lên tường. Đồng thời, vật liệu giấy dán tường cũng thay đổi. Trong quá trình cải tiến chất lượng để giấy dán tường vinyl được công nhận là vật liệu chống cháy lan, nhà sản xuất đã làm khắc phục nhược điểm quá dày, khó dán. Kết quả là giấy dán tường vinyl ngày nay dễ dán hơn cả giấy dán tường làm từ vải. Kinh tế về mặt giá cả, là vật liệu chống cháy lan và dễ thi công là 3 yếu tố lớn giúp nhu cầu dùng giấy dán tường vinyl nhanh chóng tăng mạnh.

Năm 1976, Nhật Bản ban hành tiêu chuẩn JIS cho giấy dán tường. Đến năm 1978 thì ban hành tiêu chuẩn JIS cho keo dán gốc tinh bột dùng để thi công giấy dán tường. Có thể nói nền tảng của ngành sản xuất giấy dán tường đã được dựng chắc chắn tại Nhật Bản.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *